jeudi 26 mars 2015

VÙNG 4 CHIẾN THUẬT, NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG TƯ 75 - Nguyễn Bá Trang

Tháng 9 năm 1974, tôi từ Bộ Tư Lệnh Hạm Đội, Sài Gòn được lệnh đến nhận việc tại Lực Lượng Thủy Bộ đóng bản doanh tại Trà Nóc, Cần Thơ. Bản đồ trận liệt của bạn tại Vùng 4 Chiến Thuật cho thấy Quân Đoàn 4 lúc bấy giờ còn đủ 3 Sư Đoàn 7, 9, 21, và một Bộ Tư Lệnh Đặc Nhiệm 44. Ngoài ra còn có Sư Đoàn 4 Không Quân tại Trà Nóc, cộng một số đơn vị chiến thuật  tăng phái từ Bộ Tổng Tham Mưu. Về Hải Quân thì có các Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi tại Cần Thơ, Vùng 4 Duyên Hải tại An Thới, Phú Quốc, Vùng 5 Duyên Hải tại Năm Căn và Lực Lượng Thủy Bộ tại Trà Nóc. Sĩ quan Hải Quân thâm niên hiện diện trong toàn vùng là Phó Đề Đốc, đang giữ chức Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi. Đây là một sĩ quan tài đức anh em trong quân chủng đều biết tiếng và ngưỡng mộ. 







So với những Quân Khu khác, công tác bình định lãnh thổ tại Quân Khu 4 lúc bấy giờ được xem như khả quan. Thế nhưng, vào hai tháng đầu năm 1975 thì tình hình nói trên có đổi khác. Hoạt động quân sự về phía đối phương gia tăng về lượng với số tổn thất người và võ khí của họ khá cao so với thời gian trước đó, cao đến mức phòng Nhì Quân Đoàn kết luận là: “Có chỉ dấu cho thấy địch đánh theo kiểu thí quân như hồi Mậu Thân năm 1968.” Một hôm, từ Trà Nóc tôi vào Chương Thiện, nơi Sư Đoàn 21 đặt Bộ Chỉ Huy Tiền Phương, để được nghe thuyết trình về tình hình an ninh chung trong vùng. Gặp Đại tá Tham Mưu trưởng Sư Đoàn vừa về sau chuyến bay quan sát một trận đánh có thiết vận xa tham dự trong vùng Gò Quao thì nghe ông nói: “ Quá xá! Đánh gì mà tụi nó dùng toàn trẻ con 14 hay 15 tuổi, lớp vác AK đi ngờ ngờ, lớp thì chăn võng nằm ngủ trong mấy rặng trâm bầu. Thiết vận xa càn vào tác xạ thấy chết quá phải chùng tay, không bắn được nữa mà kêu ra bắt sống. Súng thì chất lại, cho thiết vận xa vào cán bỏ, không ai thèm mang về!” Thời gian ngắn sau đó thì có tin tức không hay về cuộc lui binh ở Buôn Mê Thuột, rồi thì Huế bỏ ngõ. Đồng bào miền Trung tị nạn chiến tranh được đưa ồ ạt về Phú Quốc. Tình hình xấu dần.

    Một tháng trước đó, Phó Đề Đốc Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi chỉ định tôi phụ trách an ninh phòng thủ diện địa tại 5 căn cứ Hải Quân trực thuộc. Hải Quân là quân chủng chiến lược, chia ra thành phần đặc nhiệm mà hành quân theo yêu cầu tại từng vùng, chịu trách nhiệm về lãnh hải mà không tranh quyền về lãnh thổ ngoài các hải đảo thuộc chủ quyền quốc gia. Ngoài ra, Lực Lượng Thủy Bộ chỉ là đơn vị lưu động được Bộ Tổng Tham Mưu tăng phái hành quân cho Quân Đoàn 4, nên càng không có trách nhiệm về lãnh thổ. Thế nhưng, tình hình chiến sự tại Vùng 4 Chiến Thuật lúc bấy giờ, Bộ Binh rất cần yểm trợ Hải Quân nên lệnh trên là hợp lý.
     Một hôm tôi đến căn cứ Hải Quân tại đầu Kinh Cán Gáo thuộc U Minh Thượng rồi ở lại hai ngày, xem tại chỗ tình trạng canh phòng và tuần tiễu trong vùng Tắc Cậu. Lúc tôi chuẩn bị từ đó tiếp đi căn cứ Hải Quân Rạch Sỏi thì có chuyện lạ. Lúc đó là gần 7 giờ sáng. Khi trực thăng Quân Đoàn 4 biệt phái cho tôi vừa đáp thì trong đó bước ra một sĩ quan người Mỹ. Đó là Trung Tá Hải Quân Hoa Kỳ có tên là Dick, người tôi quen từ 10 năm trước. Rồi lúc bấy giờ thì tôi lại gặp ông ở Kinh Cán Gáo. Biết ông phục vụ tại Việt Nam nhiều lần và lúc bấy giờ thì ông đang có văn phòng ở cơ quan DAO (Defense Attaché Office) thuộc Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, tôi yên lặng nghe ông ta nói. Vừa chào nhau xong, Dick kéo tôi ra một chỗ riêng, nói:
    “Họ nghe nói Việt Cộng về pháo kích và chiếm làng sát đồn này nên bảo tôi xuống xem thế nào?”
    Tôi đã ở tại nơi đó hai ngày đêm mà tin từ đâu ra nói Việt Cộng pháo kích và chiếm làng? Nói câu trên xong, Dick cho biết ông ta muốn ra làng cách đó chừng trăm thước để xem tận mắt rồi về trình cấp trên của mình. Thấy ông ta đi tay không, sĩ quan an ninh đơn vị nêu ý kiến cấp cho người hộ tống. Dick khoát tay, cười rồi nói không cần. Tôi đứng nhìn ông ta một mình ra cổng trại rồi đi vào làng. Chừng gần giờ sau thì Dick trở về, nói:
    “Tin Sài Gòn nhận là không đúng. Tôi tin rồi đây Việt Cộng sẽ không còn pháo kích nữa.”
    Xong ông ta tiếp:
    “Mà Việt Cộng cũng là người miền Nam, phải không?”
   Tôi nghe thế mà không nói gì. Ông ta theo tôi đi Rạch Sỏi rồi buổi chiều hai tôi về lại Trà Nóc. Dick có máy bay loại Pipper hai máy đón về Sài Gòn sau đó. Câu nói sau cùng của Dick khiến tôi suy nghĩ đến việc Hoa Kỳ cứ ép chính phủ ông Thiệu ngồi chung với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại các buổi họp bốn bên mà phía Việt Nam rất lấy làm khó chịu; nhưng sau thì cũng phải chấp nhận.  Bề trái của việc ép đó là gì? Cố vấn an ninh quốc gia  của ông Thiệu lúc đó và những người chung quanh ông có bao giờ thử phân tích vấn đề này để tìm một lối đi song hành với Hoa Kỳ hay không?

    Chiều ngày 24 tháng Tư 1975, tướng Nam cùng một số đơn vị trưởng cao cấp trong Quân Khu đến thăm đơn vị tôi, nói chuyện với các sĩ quan thuộc lực lượng lúc đó có đến hơn trăm anh em. Ông nói tình hình có căn thẳng, nhưng ông muốn sĩ quan các cấp phải làm gương, không bỏ đơn vị mà đi, khiến binh sĩ hoảng sợ mà rã ngũ. Trước kia khi còn ở “Sư Đoàn Mũ Sắt,” Sư Đoàn 7 Bộ Binh, thì cũng thế. Kỷ luật quân đội đối với ông là ưu tiên hàng đầu. Lời ông nói lúc bấy giờ: “Người dân miền Tây đã cưu mang chúng ta trong hơn 20 năm. Chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ họ, không để tái diễn cảnh náo loạn tại miền Trung mà rồi vô số người dân và trẻ con vô tội chết oan.” Tội nghiệp, ông sinh quán miền Trung mà lo cho sự an toàn của dân miền Nam đến như thế. Ai nghe ông nói mà chẳng động lòng. Sau khi nói chuyện tại Lực Lượng Thủy Bộ xong thì ông đi thăm Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Không Quân nằm bên kia con đường. Mấy hôm sau thì tình hình yên lắng trở lại. Nhưng trên báo chí hàng ngày đọc thấy có tin Hoa Kỳ sẽ bỏ miền Nam bằng cách ngưng viện trợ. (1)
    
    Sáng sớm ngày 30 tháng Tư có lệnh từ Quân Đoàn 4 gọi tất cả đơn vị trưởng đến họp khẩn. Liền đó, tướng Nam gọi tôi trên điện thoại nói ông muốn gặp tôi trước giờ họp. Tôi nghĩ ngay là ông muốn biết về việc một chiến hạm Hải Quân Việt Nam tại Cần Thơ đã di tản ra biển đêm hôm trước, trên đó có vị tướng Tham Mưu Trưởng của ông. Trước khi đi Quân Đoàn, tôi ghé qua nơi vốn là Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi, mục đích thu thập vài chi tiết để trả lời cho Tư Lệnh Quân Đoàn 4. Quang cảnh ở đây vắng lặng. Tại bến tàu còn khoảng dưới 10 giang đỉnh, trên cầu tàu còn có số  5 hay 6 thủy thủ. Một viên trung sĩ  nhận ra tôi liền nói:
    “Ông không đi thì khi họ về họ sẽ giết ông ngay. Tụi em cấp nhỏ nên không sao.”
Nghe thế, anh tài xế của tôi liền hỏi:
    “Sao anh biết họ về?”. Người trung sĩ nói:
    “Đêm qua người ta ở đây đi cả rồi, trong đó có một tướng Bộ Binh.”
    Tuy có biết trước việc ra đi này từ ba hôm trước, tự nhiên lúc bấy giờ tôi cảm thấy một nỗi bứt rứt rất lạ. Tôi một mình bước lên hơn chục bậc thang cấp, vào phòng làm việc thường ngày của Tư Lệnh Vùng 4 sông Ngòi. Vào đến nơi thì biết ngay cái lý do của sự bứt rứt vừa rồi: trên bàn viết của ông có hai phong thư đặt ngay ngắn giữa bàn, trong khi chung quanh thì giấy tờ vung vãi tại nhiều nơi. Một trong hai thư đó đề gửi cho tôi, cái kia gửi tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn 4 và Quân Khu 4. Nhìn nét chữ đề tên tôi trên bức thơ, tôi bị xúc động rồi cảm thấy tiếc là không còn dịp làm việc chung với một cấp chỉ huy đầy tình người và tính người như vị chỉ huy này. Ông là một sĩ quan văn võ song toàn, nhiều hiểu biết, làm việc với ai thì ông tin tưởng trăm phần trăm. Nếu thành thật là nói lên sự thật với người, và chân thật là nói sự thật với mình thì ông có cả hai đức tính này. Ngoài ra giống như tướng Nam, ông biết lắng nghe và sau đó thì có ý kiến, không phải chỉ có ý kiến mà không bao giờ lắng nghe, hay lắng nghe mà không có ý kiến. Trong một thoáng hồi tưởng, tôi nhớ ba hôm trước, khoảng 4 giờ chiều, ông một mình lái xe đến gặp tôi, cho biết ông sẽ bỏ đi và muốn tôi theo ông. Ông nói, “Có anh đi với tôi thì tôi yên tâm, vì tụi nhỏ trên tàu không mấy rành biển cả.” Tôi hỏi ông sẽ đi đâu và để làm gì. Ông trả lời là chưa rõ.  Tôi biết ông nói ông cần tôi giúp dẫn tàu đi biển nhưng thật ra là ông lo cho tính mạng của tôi một khi tôi ở lại. Nếu trên đời phải may mắn lắm mới có được một người thật sự là bạn hiểu được mình thì cái  tình bạn của ông đối với tôi thật khó thể không nhận thấy. Còn khi ông nói ông chưa biết ông sẽ đi đâu, tôi nghĩ đó là ông khiêm hư mà nói thế. Người có nhiều khả năng như ông khi ra nước ngoài, tôi nghĩ ông sẽ có cơ hội làm nhiều việc cho đất nước mai sau.  Hồi tưởng này còn tiếp tục. Tại thị xã Cần Thơ thời đó, khoảng gần cầu Cái Khế có một quán bán cháo vịt dành cho người sành ăn. Quán mở cửa bán hàng mỗi ngày lúc 3 giờ chiều, đến 5 giờ thì đóng. Khi có dịp rảnh đôi chút, thường là buổi chiều, ông mời tôi đến nơi ông ở, rồi nhờ người ra quán đó mua thịt vịt luộc về hai anh em ngồi chấm nước mắm gừng mà ăn với nhau, không nhậu, vừa ăn vừa nói chuyện xa chuyện gần. Thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng là món ăn rặc miền Tây. Không biết ai đã bày cho ông món ăn này để ông nhớ mãi mà thành thói quen. Rồi hoàn cảnh đưa chúng tôi đến lúc phải lấy quyết định không phải ngược nhau mà là khác nhau.

     Bộ Tư Lệnh của ông đóng tại Cần Thơ, không nhiều nhân viên. Ông đi với hầu hết thành phần sĩ quan và thuộc hạ của mình, trong khi số sĩ quan và thủy thủ của tôi lên đến hơn số ngàn mà lại đang ở rải rác tại nhiều nơi. Ngoài ra, trong tay tôi không có phương tiện đi biển. Với lại một số quân nhân nhiều như thế mà ào ạt ra đi thì không sao khỏi tác động tiêu cực đến những đại đơn vị khác trong vùng. Rồi thảm kịch miền Trung có nhiều khả năng xảy ra, điều mà không ai muốn thấy. Chưa kể theo nhận thức thông thường, miệng đời sẽ cho hành động như thế là nguyên do gieo đại họa đến cả một vùng đông dân cư nhất nước. Đổ thừa là căn bệnh chung của số lớn con người. Trách nhiệm lịch sử của quân chủng tôi tại miền Tây như thế sẽ không cách gì mà cổi bỏ cho được. Do đó, khi nghe ông nói xong, tôi cám ơn ông rồi cho ông biết tôi hiện lúc đó chưa sẵn sàng để đi, xin sẽ trả lời cho ông sau. Nhưng rồi ông hiểu là sẽ không có câu trả lời. Ông bắt tay tôi với một nụ cười mà chỉ riêng ông mới có, một nụ cười khi vui cũng như khi buồn, luôn khiến người khác có lo nghĩ gì thì cũng phải bỏ đó để vui hay buồn lây với ông. Rồi thực tế lúc bấy giờ là buổi sáng ngày 30 tháng Tư, tôi một mình trong văn phòng vắng ngắt, đứng cầm bức thư ông viết gửi cho tôi. Mở thư ra đọc thấy ông cám ơn những giúp đỡ tôi dành cho ông trong suốt thời gian gần trước đó. Ông nói tình hình không cho phép ông ở lại, ông khuyên tôi thay ông mà giúp Quân Đoàn 4 như ông đã làm và ông không quên chúc tôi nhiều may mắn. Đọc xong bức thư, tôi xếp nó lại, bỏ vào túi áo bên trái, phía trái tim. Bức thư gửi cho tướng Nam ở túi bên tay mặt. Tôi đứng lặng một lúc, thấy rằng người viết cho tôi bức thư đầy tình cảm đó, đã hiểu rõ tâm tính tôi đến mức ông biết khi ông đi rồi, thế nào tôi cũng đến tận nơi để nhận nó. Về sau, tôi đặt ra giả thiết nếu tôi không đến đề nhận bức thư  hai trang giấy với những hàng chữ ngay ngắn và rất đẹp đó thì bức thư ông gửi cho tướng Nam sẽ đi đâu? Tôi thấy giả thiết đó không cần đặt ra, vì ông rất rành tâm lý con người.

     Ra khỏi phòng, xuống sân bên dưới, tôi lên xe đi Quân Đoàn. Vì có hẹn trước, tôi đến phòng Tư Lệnh Quân Đoàn. Gõ cửa bước vào thấy tướng Nam đang ngồi ở bàn viết thường ngày, trước mặt là vị Tư Lệnh Phó của ông, tướng Hưng. Trước bàn viết của ông Nam có bốn chiếc ghế bành và một bàn tròn. Ông Hưng ngồi ở chỗ gác tay trên một chiếc ghế bành, hai chân duỗi thẳng, miệng liên miên rít khói thuốc điếu; tôi nhớ ông luôn khịt khịt mũi. Hai người đang ngồi ở đó mà không nghe ai nói gì. Bên ngoài lúc bấy giờ có hàng trăm sĩ quan đang chờ giờ họp như công điện cho biết. Chào hai vị tướng xong, thì tôi liền nói có thư do Hải Quân Vùng 4 gửi. Kế đó là lấy bức thư trao cho ông.
   Ông đưa tay cầm thư, bóc nó ra rồi ngả người về phía sau, chăm chú đọc, gương mặt bất động. (2) Đọc thư xong thì ông nói trống không:
    “Có gì mà phải bỏ đi.”  Rồi nhìn tôi, ông nói:
    “Thôi thì anh em mình với nhau vậy.”
   Ai ở miền Trung lâu mà nghe ông dùng ba tiếng “anh em mình” ở đây thì biết lúc bấy giờ ông tự cảm thấy quá cô đơn nên rất cần sự hợp tác. Thế nhưng thật tình tôi chưa theo kịp ý nghĩa của câu thứ hai ông vừa nói. Nhẩm trong trí thấy Quân Khu còn y nguyên ba sư đoàn Bộ Binh, một sư đoàn Không Quân, chưa kể những đơn vị thiện chiến tăng phái khác. Các kho đạn và kho dầu còn đầy. Thiết giáp và đại pháo của đối phương không hoạt động hữu hiệu tại vùng sình lầy, và hai tuyến phòng ngự sông Tiền sông Hậu sẽ giúp miền Tây đứng vững một thời gian dài ngắn tùy theo sức đề kháng của dân quân các cấp. Ngoài ra thì sau khi Sài Gòn bị bỏ ngỏ, nhiều vị tướng trẻ, nhiều kinh nghiệm chiến trường đã rút về miền Tây tìm cách họp với Quân Đoàn 4 chiếm lại thủ đô. Dù đó như là một lời chúc như ý trong trường hợp tối tăm nhất, nó là cái phao cho tôi bám vào để tiếp tục đứng vững khi phong ba đang lấp ló dưới vòm trời miền Nam. Lúc đó là ngày 30 tháng Tư năm 1975, đồng hồ trong phòng Tư Lệnh Quân Đoàn 4 chỉ 9:55 sáng. Thình lình đại tá trưởng phòng Ba Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, từ ngoài bước vào, một máy radio trên tay với tiếng kêu rè rè. Ông nói:
    “Trình Tư  Lệnh, sấp có tuyên bố quan trọng của ông Minh, Minh Cồ”. Thì chừng mươi giây sau đó, tiếng ông Minh loan tin ... bàn giao không điều kiện. Nghe thế, tôi nhìn tướng Tư Lệnh Quân Đoàn. Mặt ông nghiêm lại rồi nói với vị trưởng Phòng Ba:
    “Cho mời tất cả vào phòng họp. Tôi sẽ đến nói chuyện với anh em.” Vào phòng họp Quân Đoàn, tôi thấy đa số mọi người lộ vẽ căng thẳng, sầm xì nói chuyện với nhau. Một vị mang cấp đại tá, mũ nồi đen trên đầu, chức vụ tỉnh trưởng Phong Dinh, nói lớn:
    “Việt Cộng sẽ vào đây trong vài giờ nữa. Chúng ta sẽ làm gì nếu cứ ở đây?”
   Phản ứng là việc làm dưới áp lực của tình cảm như hoảng sợ, thương ghét, hận thù. Hành động là việc làm của trí óc sau khi đã đánh giá tình hình. Nhớ lại câu tướng Nam nói với tôi: “Thôi thì chúng mình với nhau vậy,” tôi biết lúc bấy giờ, khi có lệnh buông súng thì mọi toan tính của ông đã bị hoàn toàn đảo lộn. Và ông trở thành giống như thuyền trưởng trên một con tàu đang ở trung tâm cơn bão lớn, ông không thể hỏi ý kiến một ai khác trước khi tìm cách cứu con tàu và đoàn viên thủy thủ của mình, cứu bằng mọi giá, kể cả sinh mạng bản thân. Ngồi chung với anh em trong phòng họp, tôi nghĩ phải chờ quyết định của ông trước khi có hành động. Và hành động như thế nào thì cũng phải theo truyền thống của quân chủng là Tổ Quốc Đại Dương với danh dự và an toàn cho nhân viên trước tiên. Tôi đang ở một vị trí phải chấp nhận cái định phận dành cho người chỉ huy lúc đơn vị đang cơn hấp hối. Lúc bấy giờ thì tướng Nam xuất hiện giữa một số sĩ quan cao cấp. Không khí trong phòng im lặng, như dầy đặc những luồng điện. Tiếng ông nói dõng dạc:
    “Hủy bỏ buổi họp. Các đơn vị trưởng thi hành lệnh của chính phủ; nhưng bên kia không được làm hỗn.” Một vị sĩ quan bên cạnh tôi nghe thế liền nói:
    “Đúng. Làm hỗn là “oánh” liền. Giá nào cũng chơi. Ông nói thế đấy.” Rồi bỗng nhiên ông tướng tiếp:
    “Các đơn vị trưởng cho đại diện của mình thi hành lệnh của chính phủ xong trở lại bộ Tư Lệnh Quân Đoàn ngay.” Tôi hiểu ý ông muốn nói nếu về lại đơn vị, đơn vị trưởng có thể bị nội tuyến hay một thành phần vu vơ nào đó hạ sát để lập công với những người phía bên kia. Đến giờ phút đó mà, một cách bình tĩnh lạ lùng, ông vẫn còn nghĩ đến việc lo cho đồng đội của mình được an toàn theo đúng tinh thần huynh đệ chi binh mà có lẽ ông được trao truyền từ ngày còn học ở quân trường.

    Sau khi tướng Nam về lại phòng của ông thì anh em tự động giải tán. Bên ngoài, một ít lính Giải Phóng Miền Nam đội mũ tai bèo ôm súng nằm ngủ như chết tại một số ngã tư đường trong thị xã Cần Thơ, quần áo bê bết bùn là bùn. Tôi về đơn vị, cách đó 8 ngàn thước hướng về Long Xuyên. Thiên hạ từ trong nhà tràn ra đầy ngõ. Trên một con đường chính tại thị xã Cần Thơ, các thầy cô của trường tiều học của người Trung Hoa dẫn một đoàn học sinh mặc đồng phục, khăn đỏ quàng cổ, đi diễn hành dường như theo tôi nghĩ là để chào mừng lời ông Minh vừa nói trên đài phát thanh, hay cám ơn Thượng Đế là không có đổ máu hay loạn lạc như ở miền Trung trước kia? Trước Tiểu Khu Phong Dinh, xe cộ gây tắt nghẽn giao thông một lúc khá lâu. Về đến đơn vị, nhiều sĩ quan chạy ra gặp tôi, nói cho nghe tin tôi đã nhận từ Quân Đoàn. Anh em tự hiểu cuộc chiến đã kết thúc, miền Nam bị bức tử, đơn vị phải bị bàn giao, mọi người ai nấy tìm cách đi về quê hay chạy ra nước ngoài. Trách nhiệm chiến đấu của tôi đã hết, nhưng trách nhiệm tinh thần với nhân viên thì còn. Lúc bấy giờ tôi thấy sự có mặt của đơn vị trưởng tại đơn vị của mình là rất cần thiết để bảo đảm cho sự an toàn sinh mệnh những người còn ở lại, tránh những sự bất mãn, nổi loạn, gây đại họa cho đồng bào. Phương tiện thì còn duy nhất hai tàu LCM-8 cơ hữu của Căn Cứ Tiếp Vận Bình Thủy, mỗi chiếc có sức chở khoảng năm mươi người nhưng số người muốn đi thì quá đông. Ưu tiên dành cho cấp thấp nhất, rời bến thật nhanh. Trung tá chỉ huy trưởng căn cứ Tiếp vận và Sửa chữa tại Bình Thủy có mặt trên tàu LCM-8 thứ nhì. Nhìn thấy tôi, ông kêu:
    “Anh đi không?” Tôi lắc đầu. Ông hỏi tiếp:
    “Tôi ở lại với anh được không?” Tôi nói ngay:
    “Đừng. Anh nên đi trước. May mắn nha.”

   Nhìn tàu ông tách ra, tôi liền ý thức ngay là tôi đang là người thâm niên hiện diện tại đó. Và sau tôi còn bao nhiêu người còn kẹt lại, trong số này tôi biết có nguyên cả đình ông Tham Mưu Trưởng của tôi.  Chưa bao giờ tôi thấy sức nặng vô hình của cấp chức đè nặng trên vai tôi đến như vậy. Tôi kêu hủy hết hồ sơ về nhân viên, mật mã, bỏ ngõ đơn vị, xong thì trở lại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, ở đó có nhân viên sĩ quan thuộc các đại đơn vị trực thuộc Quân Đoàn 4. Ghé lại Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi một lần nữa, tôi đứng trên bến tàu nhìn ra sông Hậu, trời nước có vẽ mênh mông hơn ngày thường, thấy những tàu di tản chạy xuôi dòng. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nhớ đến hai câu thơ của thi sĩ André de Chénier: “Trên bàn tiệc của cuộc đời, tôi chỉ xin ngồi ở chỗ cuối bàn.” Thật vậy. trong quân đội, tôi không ở cấp quá cao để tự xử  theo người đời thường nghĩ, không ở cấp quá thấp để được miễn trừ trách nhiệm đối với nhân viên của mình mà tôi biết đa số còn bị kẹt lại. Tôi muốn đứng về phía đa số lúc bấy giờ đang đau khổ. Bỗng nghe có nhiều tiếng nổ của súng cối rồi thấy có nhiều cột nước tung lên chung quanh những chiếc tàu đang di chuyển trên dòng sông không trở lại. Tiếng nổ nghe từ phía Tiều Khu Phong Dinh. Trong giờ phút đó, các đơn vị đều bỏ ngõ. Có thể nào “người ta” thấy tàu đi mà mình bị bỏ lại bèn  thấy buồn lòng rồi nổ súng bắn theo?

   Đêm 30 tháng Tư, khoảng 11 giờ, chúng tôi tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 được tin tướng Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4 quyên sinh bằng súng lục. Hai vị từng là sĩ quan thân tín của tướng Hưng phóng chạy đến tư dinh người vừa tử tiết. Hơn giờ sau,  họ chạy về nói cho tất cả  anh em nghe: “ Ông đi thật rồi. Một viên Saturday Special  bắn vào tim. Đỡ ông lên lên thấy ở nệm có một chấm máu nhỏ xíu.” Anh em bèn báo tin này cho tướng Nam tại tư dinh. Ông trầm tĩnh trả lời: “Tôi biết rồi.” Rồi buổi sáng sớm ngày 1 tháng Năm, thì nhận tin tang tóc khác: tướng Nam đã tự sát trong phòng làm việc tại tư dinh sát chân Cầu Cái Khế. Tin đến với chúng tôi khi viên Chính Ủy Khu 9 Việt Cộng và tùy tùng vào tiếp thu Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 tại Cần Thơ. Anh em chúng tôi còn lại khoảng 20 người, trong đó có đại tá trưởng phòng 3 Quân Đoàn 4. Ông hướng dẫn một số anh em chúng tôi đến gặp viên Chính Ủy Khu 9 để nói về tổ chức lễ quốc táng cho tướng Nam. Người tự nhận Chính Ủy Khu 9 là một đàn ông miền Nam khoảng 50 tuổi, có tên là Chín, nói là quê ở Cà Mau, tướng cao to, hai tai dài và to, đầu đội nói cối, trong khi những người khác thì tai bèo. Những câu trao đổi giữa hai bên nặng màu dân tộc đến độ chúng tôi nghĩ lúc bấy giờ thì sự rạn nứt giữa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Cộng Sản Hà Nội đã lộ nguyên hình. Chúng tôi đưa ra những lý lẽ để tổ chức lễ quốc táng một anh hùng không phải cho nhân  dân miền Nam mà là cho cả dân tộc Việt Nam. Trong hiện tại thì miền Nam đã có những 5 tướng đã tử tiết. Khi nghe xong quan điểm của chúng tôi, người chính ủy nói:
    “Chúng tôi không ngờ anh Nam có phản ứng quá mạnh như thế. Lâu nay chúng tôi vẫn kính trọng anh Nam.”

   Trong Thế Chiến II tại chiến trường Bắc Phi, tướng Anh là Bernard Law Montgomery, một vị tướng chưa từng thua trận nào, đối đầu với tướng  bên Đức là Erwin Rommel, con Cáo Già Sa Mạc. Ông người Anh lớn hơn ông người Đức 4 tuổi và cả hai người đều coi nhau rất trọng. Trong căn lều chỉ huy của tướng người Anh luôn có bức chân dung của ông Rommel mặc quân phục Thống chế. Phía bên kia thì cũng vậy, một bức chân dung của tướng Montgomery đội mũ nồi được  treo ngay chỗ ra vào nơi đặt bộ chỉ huy tiền phương. 

   Tại Cần Thơ lúc bấy giờ, người chính ủy nói tiếp:
    “Nếu ở trường hợp quí anh đây thì chúng tôi cũng phải làm như vậy. Hiện ngoài phố có nhiều thiết vận xa. Lấy một chiếc, rửa sạch để dùng đưa tang thì cũng được.” Thế nhưng, khi vào chi tiết thì có trở ngại. Người chính ủy hỏi:
    “Trong quí anh đây có ai chính mắt nhìn thấy anh Nam tự sát?” Tất cả nói không nhìn thấy. Buổi sáng lúc 7 giờ anh em đến tìm chủ súy thì thấy ông đã tự sát. Viên chính ủy nói:
    “Như vậy thì khi chúng tôi tổ chức quốc táng cho anh Nam thì  dân sẽ nói chúng tôi giết anh ấy rồi giả vờ làm quốc táng. Nếu trong quí anh đây có người làm chứng cho việc anh Nam tự sát thì chuyện sẽ khác đi nhiều.” Ngừng vài giây, lại tiếp:
    “Còn khi phủ quốc kỳ thì dùng quốc kỳ nào? Dùng cờ của Mặt Trận thì chúng tôi nghĩ rằng không hợp cho anh ấy.” Đến đó, anh em nhìn nhau. Người chính ủy bảo anh em lo chôn cất như bình thường. Tuy chuyện trên đây không thành nhưng ông đại tá cựu trưởng phòng Ba Quân Đoàn 4,  trong thời điểm đó, đã bình tĩnh làm bổn phận của một thuộc hạ có trách nhiệm đối với chủ súy của mình mà quên an toàn cho bản thân anh. Lòng can đảm của ông trong trường hợp đó khó tìm thấy ở đâu khác.

     Sáng ngày mồng 2 tháng 5 lúc 9 giờ, người chính ủy lại cho mời một số anh em chúng tôi đến phòng làm việc cũ của tướng Nam. Trong phòng lúc bấy giờ cũng có một số chừng mười cựu sĩ quan miền Nam như tôi. Vì có đông người, thiếu bàn ghế, viên chính ủy và những người của ông ta đều ngồi bệt trên sàn, miệng ông ta nhai kẹo lạc nội hóa, chốc chốc lại uống trà do một tà-lọt nấu nước bằng lò dầu, pha tại chỗ, nước nôi linh láng chung quanh. Họ có thói quen uống hai phần ba chén trà xong thì hất chỗ còn lại vào góc tường. Viên y sĩ riêng của người chính ủy cũng có mặt. Đó là một người Nam, cũng độ 50 tuổi, mặt dài và nhọn, hai hàm răng đầy nhựa thuốc điếu. Ông ta cho biết “Bao tử của anh Chín đã bị cắt bỏ. Hiện thì chỗ nối từ cuống họng vào đầu ruột già đang được ... cải tạo để thành một cái bao tử khác, nên anh Chín mỗi lần ăn chỉ được một bát nhỏ cơm. Do đó mà anh Chín phải nhai kẹo lấy sức để mần việc nước.” Lòng trí tôi hoàn toàn trống rỗng. Lời người tự nhận là y sĩ riêng của anh Chín còn kể rằng vào thời chiến tranh khốc liệt, máy bay loại Antonov của Liên Sô chế tạo đã từ miền Bắc bay vào Nam, chở ông chính ủy ra Hà Nội đến bệnh viện Việt - Sô cho chuyên viên Liên Sô chữa trị; máy bay phải bay trong đêm, bay sát ngọn cây để tránh phòng không. Lời nói của ông ta cũng bay qua như một luồng gió nhẹ rồi thôi. Tôi nghe văng vẳng tiếng người chính ủy nói,” Các anh chịu khó tạm ở đâu đây vài hôm. Nếu các anh muốn về nhà cho chị và mấy cháu an tâm thì tôi cấp giấy đi đường. Nhưng tôi nghĩ các anh đừng về quê mình vội. Tụi du kích địa phương có thể làm hỗn với mấy anh mà chúng tôi không đỡ kịp.” Rồi ông ta tiếp: “Chúng ta là người miền Nam với nhau cả. Mong các anh hãy giữ gìn sức khỏe để cùng chúng tôi chống ... kẻ thù chung.” Nghe thế, tôi bỗng nhớ câu nói của Dick trước đó không lâu là: “Việt Cộng cũng là người miền Nam, phải không?”.  Ông ta còn giữ miệng nên bỏ qua chữ “carpetbaggers” và “scalawag“sau khi dùng chữ “southerners,” hay là ông ta giả bộ quên “hậu hồi” quái gở của cuộc nội chiến Hoa Kỳ từ 1860 đến 1865?

    Rồi thời gian lâu sau, mỗi năm vào cuối tháng Tư thì những ký ức về miền Nam lại trở về trong trí tưởng của nhiều anh em chúng tôi, dù cho là thời sống trong các trại tập trung miền Bắc hay khi tại xứ người như về sau này. Và trong những ký ức này, điều tôi nhớ rõ nhất là vị cựu Tư Lệnh Vùng 4 Sông Ngòi năm 1975, người đã gửi cho tôi một bức thư mà khi đọc xong, tôi bỗng thấy mắt mình ươn ướt. Ông khéo nói và văn lại trong sáng, đầy tình người. Tôi xếp bức thư đó nhỏ lại bỏ vào ví, mang ra Bắc, xem đó như một bảo vật, cho nó theo tôi lên rừng lên núi nghe tiếng chim hít-cô kêu như xé ruột rồi nhìn xuống cảnh dương gian yên tĩnh. Đó là bằng chứng trên cuộc đời này, ông xem tôi là một người bạn, không phải chỉ là người ông biết tên rồi thôi. Ông đã cố kéo tôi ra khỏi nơi cực kỳ nguy hiểm, nhưng cái nghiệp của tôi đã dẫn tôi đi theo một chiều hướng khác. Tôi đã cố giữ bức thư đó cho đến khi không còn giữ được nữa là ngày ra trại tập trung, tất cả mọi giấy tờ phải được thiêu hủy. Cho đến một hôm, một anh bạn cùng thế hệ tôi gửi tôi một thư ngắn, hỏi vì sao trước ngày mất nước chúng tôi không bỏ đi. Phần lớn người trẻ thì hỏi tại sao lại bỏ đi. Còn người trọng tuổi lại thắc mắc sao không bỏ đi. Ai đúng và ai sai, xin dành cho lịch sử mai sau. Lý do là đa số người ở lại, sau rồi cũng phải ra đi theo danh sách những người bị phóng trục, nghĩa là phóng thích khỏi trại rồi trục xuất khỏi nước. Nhìn lại quá khứ xa gần thì thấy từ đầu 1975, chiến sự trên quê hương miền Nam trở thành quyết liệt khiến binh sĩ và các cấp chỉ huy tại những đơn vị chiến đấu cảm thấy gần nhau hơn bao giờ hết. Gần gũi và cùng thích một việc thì ghét nhau. Nhưng gần gũi để chung lo một việc thì sinh gắn bó là lẽ thường. Có đi đâu rồi cũng tìm về, nghĩa là sống chết có nhau. Sự gắn bó đó vừa xúc tác, vừa hỗ trợ tinh thần kỷ luật của binh sĩ, đặc biệt là những binh sĩ đang chiến đấu tại nhiệm sở địa đầu. Nhiều cây bút quân đội xác đáng cho đó là kỷ luật cần để bảo đảm cho sự an toàn trong chiến trận, đồng thời còn giúp quân nhân trấn áp được nỗi sợ để giữ phẩm giá của mình trong giờ phút nguy nan cao độ. Phẩm giá này nếu mất đi, sẽ gây kinh hoàng khi thế hệ kế tiếp bắt đầu lên tiếng.

    Nhật báo Người Việt, Nam  California, ngày 4 tháng 11 năm 1998, có bài “Đôi mắt người bị xử bắn trong rặng bình bát” của ông Nguyễn Bửu Thoại. Trong lời phi lộ, tác giả nói là viết để trả lời cho câu hỏi các con của ông là: “Ngày xưa ba đi lính đã làm gì mà phải bỏ nước ra đi?”. Hơn hai mươi năm trước, tại Quân Khu 4, không ít người muốn trong tương lai sẽ không phải trả lời những câu hỏi loại như thế; chỉ e rằng khi lên tiếng, mình sẽ biến thành hai người có ý kiến khác nhau về một chủ đề. Với tác giả, tôi có điện thoại tiếp chuyện. Ông nói có nhiều người cũng đã hỏi ông về câu nghi vấn này đồng thời còn xác nhận rằng tuổi trẻ, khi bắt đầu biết suy nghĩ, nếu thấy tự ái mình bị xúc phạm thì sẽ có những câu hỏi không ngờ. Riêng tôi hỏi ông Thoại vì thấy câu đó ngược lại câu tôi được ông bạn tôi hỏi vì sao đa số quân nhân Thủy Bộ bị kẹt lại, không di tản được. Tôi hiểu câu hỏi này có đại ý: di tản là tốt, kẹt lại là không tốt. Hai phạm trù này vừa thống nhất vừa đối lập nhau, giống như tốt với xấu hay là thiện với ác. Suy cho cùng, trên đời này chỉ có cái thiện mà không có cái ác. Điều con người gọi là ác chỉ là sự không toàn thiện, hay là sự thiếu sót nằm trong cái thiện mà ra. Cho nên giữa thiện và ác luôn có một quá trình liên tục đi từ thiện sang bất thiện, hay ngược lại là từ ác thành bớt ác rồi thành thiện và toàn thiện. Cái ranh giới giữa thiện và ác như thế quả thật khó thể phân biệt, và nếu nói theo (3) Alexander Soljenitsyne thì con đường ranh giới này không chạy qua các địa phương khác nhau mà chạy qua trái tim con người. Cái ranh giới giữa tốt và xấu cũng như giữa đi và ở vào cuối tháng Tư năm 1975 cũng gần giống như vậy. Nó nằm ở nhận thức của mỗi người lúc đang đứng bên nào, xa hay đứng gần đối với cái ranh giới đó.

     Để sang một bên cái lo-gic chung chung của vấn đề thì thấy ở miền Tây lúc bấy giờ, không giống như  Sài Gòn. Ở đó thiếu một là cái không khí của việc ồ ạt di tản do người Mỹ bày ra. Hai là miền Tây không có hạm đội đi biển như phương tiện qui mô mà người Mỹ cần thu hồi theo chương trình Lend-Lease của họ. Ba là lệnh cho Vùng 4 Chiến Thuật  chuẩn bị chỗ để dời bộ Tổng Tham Mưu  và các Bộ Tư Lệnh  Quân Binh Trũng xuống Cần Thơ chưa hết hiệu lực. Sau cùng là trách nhiệm của từng người, kể từ trên xuống, khi nhiệm vụ chiến đấu  chưa chấm dứt thật sự. Đối trọng của những cái thiếu này là gì? Tại Vùng 4 Chiến Thuật vào thời này dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh  Quân Đoàn 4 là tướng Nam, các đơn vị chiến đấu cơ bản (sư đoàn) thuộc Quân Đoàn 4 còn nguyên  phong độ đến khi có lệnh buông súng. Kế đó là không một Tư Lệnh Sư Đoàn nào bỏ nhiệm sở mà ngược lại có nhiều vị tướng, sau khi thấy không giữ được thủ đô, bèn tìm về Quân Đoàn 4 mong lật ngược thế cờ. Tiếp theo, ngoài lực lượng Thủy Bộ ra, quân nhân các cấp thuộc ít nhất là ba sư đoàn Bộ Binh và một sư đoàn Không Quân ở lại, và cuối cùng là hầu như không một thường dân miền Tây nào bị tử vong hay bị cướp bóc trong ngày định mệnh của đất nước. Cứu cánh vô cùng quan trọng sau chót này không phải tự nhiên mà thành.

    Đó là do lời giao ước của người đứng đầu Vùng 4 Chiến Thuật với người dân miền Nam tự do nói chung và người dân miền Tây nói riêng. Ông từng quan niệm rằng chiến sĩ tuyến đầu rất cần có một địa phương ổn định mới yên tâm hành quân diệt giặc. Ngược lại, một địa phương muốn được ổn định thì rất cần binh sĩ kỷ luật, hữu hiệu, nương nhau thành như một khối, không được có bất cứ một hành động nào gây đại họa, kinh hoàng hay khủng hoảng cho thường dân, đặc biệt vào giờ phút nghiêm trọng nhất. Nhiều anh em hoạt động trong ngành Tâm Lý Chiến chắc cũng cho đây chính là hình thức cố định của tình quân dân cá nước. Khi nghĩ như trên, tướng Nam đã thật sự nắm được nghĩa triết học của chữ  SƯ (đoàn) thường được diễn dịch bằng quẻ Khảm và quẻ Khôn, tức là quân dân như nước với đất. Trong bình thường thì nước nằm trong đất. Khi cần thì nước sẽ từ đất mà tung ra dũng mãnh như thác xuyên ghềnh. Xong rồi thì lại chui vào đất, yên lặng, ngoài nhìn không thấy. Người ta có thể hỏi nước với đất là tương khắc, sao đứng chung với nhau được. Đúng vậy. Nhưng cái tương khắc đó sẽ được hóa giải bằng đức độ của súy, bằng gương hi sinh của cấp chỉ huy, bằng kỷ luật nghiêm minh của quân đội. Cả ba đức tính này ở tướng Nam đều có. Cho nên trong chiến trận, ông luôn tin ông nắm được quân và ông rất bình thản mà - trong tình trạng chẳng đặng đừng - đưa kế hoạch của ông hội tụ vào điểm cao nhất và cũng là khó thực hiện nhất trong binh nghiệp của mỗi quân nhân. Đó là lời giao ước liên quan đến sự an toàn sinh mạng của con người. Sự hi sinh của ông và của những vị tướng tử tiết khác đã ngăn được một bản lặp lại của thảm trạng miền Trung trước đó không lâu.

    Phải ở gần ông trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975 mới thấy ông và vị phụ tá của ông rõ ràng có chuẩn bị thi hành lời giao ước đó từ quan niệm quân đội trách nhiệm bảo quốc an dân đến cách điều binh và rồi đi gặp định phận của chính mình. Cũng như việc chuẩn bị bỏ nước ra đi theo lời con ông Thoại, cái kết cuộc của hai ông không phải được thành hình trong một sớm một chiều. Nó đã nằm trong tâm nguyện khi hai ông chọn cho mình đời binh nghiệp, trong đó điều tối kỵ là “mệnh lệnh trí kỳ... ”.  Cho nên vì trách nhiệm và cũng vì tự ái, ông không nỡ quay mặt với từng binh sĩ thuộc quyền, với gia đình của họ, với thân phận các thương bệnh binh còn chờ được điều trị tại các bệnh viện, và với vong hồn tử sĩ tại các nghĩa trang quân đội, điều mà không ít người có tấm lòng mà mỗi khi nghĩ đến  thì thường quên ăn mất ngủ. Từ xưa, tử sĩ thường được nhắc đến bằng những lời thơ thật trân trọng, thanh thoát nhưng cũng thật buồn vì nghe như vọng lại từ bên kia phần mộ. Lý do tử sĩ đâu có màng đến truy tặng huân công. Nơi chín suối họ chỉ mong ước - nếu mà có niềm mong ước rất nhân bản đó - quê hương được vắng bóng quân thù, và ông bà, cha mẹ, gia đình con cái họ được chăm lo y như khi họ còn sống. Đó là đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam lấy gia đình làm trọng và cũng là một tình cảm rất người, mỗi đồng đội coi như món nợ, mà người cùng hội phải lo thanh thỏa. Do đó, khi chiến trận còn tiếp diễn, danh sách tử sĩ ngày một dài ra. Và mọi người chúng ta dường như rất đau khổ nhận rằng những người đã qua đời, trong đó có tử sĩ rất dễ bị rơi vào quên lãng. Sau hết thì khi vận cùng thế kiệt, tướng thủ thành thường tử tiết chính vì món nợ nói trên đây. Món nợ chưa trả thì sẽ còn đó, dù cho ta có nổi trôi về một không gian và một thời gian khác. Trong hoàn cảnh đó, nếu quyết định tự kết liễu cuộc đời khó khăn một thì - như tướng Nam và các vị đã thành nhân khác khi cuộc chiến vừa tàn đã nghĩ - sự di tản cho cá nhân mình còn khó khăn hơn thế nhiều lần. Ngày đó ông chưa lập gia đình. Giá mà ông đã có gia đình riêng, hẳn ông cũng nghĩ rằng vợ con ông và vợ con binh sĩ  dưới quyền ông đều là con người bình đẳng về mọi mặt và cần được chăm sóc như nhau. Để làm điều này cho tất cả, ông tự thấy mình thực sự bị bó tay!

      Chiều ngày 30 tháng Tư, ông bình thản đi thăm tử sĩ tại Nghĩa Trang Quân Đội ở Cần Thơ. Xong về Tổng Y Viện Phan Thanh Giản gặp và bắt tay từng thương bệnh binh như một cữ chỉ cám ơn và vĩnh biệt. Và đêm đó ông đi, sau vị phụ tá của ông khoảng vài tiếng đồng hồ. Thời đó, ông có một sư đoàn Không Quân trong tay, nhưng ông biết giữ lời hứa danh dự của một con người. Ai người theo chủ nghĩa duy tâm và duy thần hẳn tin rằng ngoài Thượng Đế là chân lý tối thượng, còn có nhiều sự thật khác. Tại trường học đó là khoa học, tại pháp đình là công lý, giữa vợ chồng là sự trinh tiết, giữa bạn hữu với nhau là lòng thành thật, giữa quân nhân phải là tình huynh đệ chi binh. Đó là bản tuyên ngôn của quân đội. Ông đã khéo léo trân trọng bản tuyên ngôn này trong suốt cuộc đời binh nghiệp. Do đó mà hầu hết các đơn vị trưởng dưới quyền ông đều hiểu ông, biết ông nên không nỡ bỏ ông, bỏ ngũ, điều đã kết tinh lại thành di sản tinh thần ông để lại cho hậu thế mai sau tại hai miền đất nước.

     Cố Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Richard M. Nixon, có nói một câu hơi lạ mà nghĩ thì cũng đúng: “Lịch sử sẽ được viết tùy theo người nào viết ra nó.” Hi vọng sau này, người viết sử không quên là khi vận nước đến thời nghiêng ngửa, bản đồ thế giới cần được vẽ lại phù hợp với quyền lợi ai đó, miền Nam phải bị bại vong theo kế hoạch cũng của ai đó, quân nhân miền Tây, đứng đầu là tướng Nam, đã cố gắng bảo vệ người dân cho đến lúc cuối cùng, đồng thời không quên lo an ninh dọc bờ cho đa số đồng bào trên sông Cửu Long an toàn di tản ra biển theo định phận của mỗi người. Có thế, những chiến sĩ miền Tây cũng như tại các miền khác, còn cố giữ vững trận địa trong những ngày u tối đó, mới được an lòng nếu còn sống và khỏi ngậm ngùi nếu vì đến hạn mà đã ra đi.

    Người lính khi đánh nhau với kẻ địch có thể thắng, có thể thua, có thể bỏ chạy rồi tập trung đánh lại, hay ngay khi bị bức tử thì người lính cũng vẫn là người lính chưa thua trận. Sinh vi tướng, tử vi thần, hai vai tướng Nguyễn Khoa Nam đã gánh trọn một quê hương đang hấp hối. Và công lao của ông quả là cái khiên một mình chống đỡ những mũi tên thù từ nhiều phía qua truyền thông thế giới đã nhiều lần vô tình bắn vào cả một Quân Lực mà ông phục vụ đến hơi thở cuối cùng.


Hải Quân Đại tá Nguyễn Bá Trang là cựu Tư lệnh Thủy Bộ trong thời điểm 1975

(1)Đề nghị cắt phần này.
     Lý do: Không ăn nhập vào chủ đề của bài viết

   “ Trước khi đi Paris, Pháp, để ký Hiệp Định Thư Ba-Lê tháng Giêng năm 1973 để ngầm bỏ rơi miền Nam, Tiến sĩ Henry Kissinger mang trong đầu một ý nghĩ dị thường, và một ước vọng không lương thiện. Theo ông ta thì kể từ sau Thế Chiến II, một số địa phương như Hy-Lạp, Bá-Linh, và Nam Hàn đã bám vào Hoa Kỳmà tạo thành những gánh nặng. Cho nên Mỹ có thể đơn giản bỏ Việt Nam  Và cái ước vọng không lương thiện đó là giải quyết miền Nam cho nhanh gọn để nhận phân nửa giải Nobel về Hòa Bình. Phân nửa kia thuộc về Lê Đức Thọ của Cộng Sản Việt Nam, nhưng ông này cho nó vào sọt rác, để có thể mạnh tay tiếp tục cuộc chiến tiến chiếm miền Nam bằng võ lực. Ngoài ra, ai bám vào ai thì hãy nghe Tổng thống  Dwight D. Eisenhower, Đảng Cộng Hòa, nói từ năm 1954: “ Giả thử như mất Đông Dương thì mất luôn những mỏ thiếc và mỏ tung-teng, hai thứ mà ta đánh giá rất cao. Do đó, khi Quốc Hội bỏ phiếu thuận viện trợ 400 triệu mỹ-kim (cho Đông Dương) là chúng ta bỏ thăm chọn cách rẻ nhất để ngăn chận xảy ra việc ghê gớm đối với sức mạnh và khả năng của ta đi tìm thủ đắc những thứ quí giá đó ở Đông Dương.”  Rồi khi bàn giao ngôi vị Tổng Thống Hoa Kỳ cho vị kế nhiệm là John. F. Kennedy, ông còn nói, “Nếu cần bỏ gì ở Đông Dương thì nên bỏ Việt Nam, mà phải giữ nước Lào bằng mọi giá.” Theo Eisenhower lúc bấy giờ thì nước Lào còn nhiều quặng mỏ chưa được khai thác, trong đó có thể có uranium! Còn Kissinger thì làm như không biết rằng người Mỹ đổ quân vào miền Nam là chỉ để tăng cường sự có mặt của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á trên bàn cờ thế giới trong chiến tranh lạnh, đồng thời lập sẵn một đầu cầu chiến lược để làm lớn chuyện ở khu vực này trong trường hợp Nikita Khrushchev quậy phá ở Bá Linh như lời ông ta hăm dọa trong cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Liên Sô và Hoa Kỳ tháng 6 năm 1961 . Và trong chiến tranh trước năm 1965, người Mỹ là đồng minh của Việt Nam, nhưng từ 1965 trở đi thì là ngược lại. Do đó mà có vấn đề gọi là “Việt Nam hóa chiến tranh “ vào đầu thập niên 70. Cái khéo của người Mỹ là họ giấu nhẹm bốn chữ “Mỹ hóa chiến tranh” bắt đầu lúc 9 giờ sáng ngày 8 tháng Ba năm 1965 khi tướng Frederick J. Karch “kín đáo” đổ lữ đoàn số 9 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vào Đà Nẳng   sau khi  Công Binh Mỹ đã vào Chu Lai thời gian gần đó”.

    (2) Vì muốn lưu lại một chứng liệu lịch sử về những ngày cuối ở Vùng 4 Chiến thuật, một số sự kiện trong bài viết này đòi hỏi sự thông cảm tế nhị của người đọc. Tuy nhiên, tôi đề nghị bỏ câu đầu mà tướng Nam nói với tôi, câu ở nguyên phần nằm trong dấu [ ….  ] Câu nói này biểu hiệu của lòng tự thương hại mà cũng có thể là lời trách cứ. Do đó sẽ không tránh được không ít người nhầm lẫn cho đó là lời trách, điều mà tôi nghĩ tướng Nam không hề có. Để người khác hiểu lầm về ông tôi tưởng là điều nên tránh.

    “Đọc thư xong thì ông nói trống không:
    “Có gì phải sợ mà bỏ đi.” 
  Câu này không phải là lời trách cứ,  mà là một lời ta thán; giống như  anh chàng  một hôm nhận được lá thư  của người bạn gái, mở ra đọc biết  “người ta” nói từ nay đã có một dot com  mới, rồi không viết  thêm gì nữa!  Ở trường hợp trên đây, chỉ câu này không thôi cũng có thể  nói lên  đầy đủ suy tư  của ông là con người chỉ sợ khi chưa biết nguyên do của cái  mình sợ. Ông không phải  ở trong trường  hợp này. Và ông cũng hội ý được rằng sự “chưa biết” thường không là một thiếu sót ở hiện tiện.]

(3)Xin xem lại tên này có đúng không?

(4)Đề nghị bỏ hay sữa hai câu này.
     Lý do: Quá nặng nề.

    “Đó càng không phải là sự chối bỏ cái định phận tối tăm của những tên lính chì trên một bàn cờ với mục đích mua vui cho ai đó. Nó cũng không phải là hành động chửi cha những ai đã gây ra đổ nát rồi họ bỏ đi.”

Trân Trọng,